TPHCM ưu tiên phát triển ngành logistics. Ảnh minh họa

UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Đề án “Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo UBND TPHCM, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, UBND TP; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành thành viên Hội đồng phát triển ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng, logistics TPHCM và sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của các hội ngành nghề, doanh nghiệp, các nhà khoa học cùng các chuyên gia, quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, 1/8 vị trí dự kiến thành lập trung tâm logistics đã hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, các vị trí dự kiến thành lập Trung tâm logistics còn lại đang rà soát pháp lý, quy hoạch các khu vực dự kiến thành lập Trung tâm logistics (Trung tâm logistics Cát Lái, Trung tâm logistics Long Bình, Trung tâm logistics Linh Trung, Trung tâm logistics Hóc Môn, Trung tâm logistics Củ Chi, Trung tâm logistics Tân Kiên, Trung tâm logistics Hiệp Phước).

Đồng thời, đã xây được cơ cấu tổ chức, quy chế và chương trình hoạt động của Hội đồng hợp lý, khoa học giúp Hội đồng hoạt động tương đối hiệu quả, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển ngành. Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự của Hội đồng ngành được thường xuyên rà soát, kiện toàn để giúp cho UBND TP, các sở, ban, ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm trong lĩnh vực phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP và các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành logistics để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Trong giai đoạn 2023 – 2025, TPHCM ban hành quy trình triển khai thực hiện Trung tâm logistics; triển khai dự án xây dựng Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức; lập quy hoạch phân các khu Trung tâm logistics (Trung tâm logistics Cát Lái, Trung tâm logistics Long Bình, Trung tâm logistics Linh Trung, Trung tâm logistics Củ Chi, Trung tâm logistics Tân Kiên, Trung tâm logistics Hiệp Phước); thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án thành lập các trung tâm logistics.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và TPHCM gồm: Đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt; gắn kết đồng bộ với Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2030.

Bên cạnh đó, xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải. Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thiết lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới logistics tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics để kết nối doanh nghiệp logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại.

Ngoài ra, xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa bàn TPHCM cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyển giao chương trình đào tạo ngành logistics theo tiêu chuẩn quốc tế. Hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Nguồn: Vân Minh

Bài viết liên quan