Tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) và Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại hội thảo “Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP Hồ Chí Minh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng”.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, logistics được xác định là ngành có vai trò rất quan trọng đối với Tp. Hồ Chí Minh, tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.
Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha bao gồm Cát Lái – Phú Hữu – Thành phố Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình – Thành phố Thủ Đức (diện tích 54 ha), Linh Trung – Thành phố Thủ Đức (diện tích 74 ha), Củ Chi – huyện Củ Chi (diện tích 15 ha), Tân Kiên – huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha), Hiệp Phước – huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi…cũng đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Theo ông Nguyễn Tuấn, việc thực hiện đề án sẽ góp phần đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế nhưng cũng đòi hỏi yêu cầu rất cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư…
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại phát biểu tại hội thảo.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh đóng vai trò động lực quan trọng trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu: Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.
Cùng với đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh. Hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Do đó, hạ tầng logistics của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong khu vực cần được quy hoạch tổng thể một cách ổn định, lâu dài và đầu tư đồng bộ, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng. Việc đặt logistics Tp. Hồ Chí Minh tổng thể vùng kinh tế phía Nam sẽ giúp phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương trong hệ thống kết nối dịch vụ liên vùng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tài, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, cho rằng, quy hoạch hệ thống logistics Tp. Hồ Chí Minh và cả vùng kinh tế phía Nam đã rất roc ràng, nhiệm vụ hiện nay là thực hiện như thế nào. Hệ thống logistics theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp không chỉ cần cơ sở hạ tầng mà còn phải ứng dụng được công nghệ vào vận hành nhằm thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, cải thiện chăm sóc và dịch vụ khách hàng và gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Do đó, ngoài việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng cứng như cầu đường, cảng biển… Tp. Hồ Chí Minh cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin hàng hóa trực tuyến; áp dụng các công nghệ IoT, Blockchain; tích hợp hệ thống thông tin và giao tiếp ứng dụng cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tài khuyến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng cho biết, theo dự báo của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) giaiđoạn 2021-2030, các vị trí việc làm trong ngành logistics như nhân viên kinh doanh, nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên điều phối khai thác vận tải, khó hàng đều tăng thêm. Đây là tín hiệu tốt trong bối cảnh nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khá cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngành logistics hiện tại vẫn đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao; doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ rất khó tuyển dụng được nhân sự có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
Quang cảnh Hội thảo.
Để giải quyết bài toán phát triển và nguồn nhân lực cho ngành logistics, ông Nguyễn Thanh Nhã đề xuất, cơ quan nhà nước cần đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực các dịch vụ logistics; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển đa dạng dịch vụ. Phát triển chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh mô hình liên kết giáo dục; ban hành bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics với nhà trường, cơ sở giáo dục, hiệp hội. Để nhân lực đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu công việc, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
“Từ kinh nghiệm của Tân Cảng, trước hết các doanh nghiệp cần ổn định và duy trì nguồn nhân lực hiện có thông qua các chính sách, phúc lợi, cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên. Muốn giữ chân được lao động lâu dài, doanh nghiệp cần có cơ chế khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong từng cá nhân, tạo điều kiện để người lao động phát huy tối đa năng lực của bản thân; đồng thời, thường xuyên tổ chức đào tạọ nội bộ, giúp nhân viên cập nhật thông tin, công nghệ mới và ứng dụng hiệu quả vào công việc.”, ông Nguyễn Thanh Nhã chia sẻ.
Tin, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
Bài viết liên quan
-
Vận tải đường bộ xuyên biên giới tại ASEAN được dự báo tăng mạnh nhờ sự phục hồi kinh tế và bùng nổ thương mại điện tử. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company năm 20022, các nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á chiếm 200 tỷ USD...
Xem tất cả
-
TPHCM ưu tiên phát triển ngành logistics. Ảnh minh họa UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Đề án “Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo UBND TPHCM, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy,...
Xem tất cả
-
(HQ Online) – Đến 15/6, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, giảm 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu những tháng đầu năm...
Xem tất cả
-
Để đạt chỉ tiêu thu ngân sách được giao cho năm 2023 là 145.800 tỷ đồng, mỗi ngày, hải quan TP.HCM cần thu về 399,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, số thu ngân sách trung bình mỗi ngày từ đầu năm 2023 cho đến đầu tháng 6 chỉ đạt khoảng 349,4 tỷ đồng/ngày...
Xem tất cả