Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 để kịp thời ban hành vào đầu quý III/2022. Theo đó, mục tiêu của chiến lược này không đặt chỉ tiêu con số cụ thể, mà xác định mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: TRẦN HẢI

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Báo cáo xuất nhập khẩu từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2022 ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,6%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,7%). “Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp”, Bộ Công thương đánh giá.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong bốn tháng ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm sáng trong tháng 4/2022 đối với xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,6 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU, thị trường ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngược lại, tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng…

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 4/2022 và cả trong bốn tháng đầu năm của Việt Nam đều đạt trạng thái xuất siêu với giá trị lần lượt là 1,089 tỷ USD và 2,53 tỷ USD.

Bộ Công thương đánh giá, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine…, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2022 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Nhìn lại 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, Bộ này nhận định: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời kỳ 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm. Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22. Về quy mô nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011.

Tổng công ty Lương thực miền nam bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Tân Thuận 2 (cảng Sài Gòn).

Nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 vẫn còn một số hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Do đó, theo Bộ Công thương, chiến lược xuất nhập khẩu cho giai đoạn mới, đến năm 2030 đặt mục tiêu có sự quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển xuất nhập khẩu.

Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. “Không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.

Quan điểm về phát triển xuất nhập khẩu gắn với các động lực mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo. “Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, điểm mới là các giải pháp xúc tiến nhập khẩu và việc xem xét hạ dần hàng rào bảo hộ để tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu; đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đó là xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7-8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, Chiến lược yêu cầu đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Mỹ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ latin… hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Nguồn: NGỌC DIỆP

Bài viết liên quan